Đường Vành đai 3.5 Hà Nội là tuyến đường Vành đai đã hình thành sau nhiều năm triển khai xây dựng từng đoạn tuyến, đường Vành đai này là tuyến Vành đai có quy mô mặt cắt ngang nhỏ hơn đường Vành đai 3. Nó đóng vai trò hỗ trợ cho 2 tuyến chính, trong đó có Vành đai 4 vùng thủ đô. Trên toàn tuyến có 2 cầu lớn vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Thương Cát. Vậy cầu Thượng Cát nằm ở đâu? Chắc hẳn nhiều người chưa nắm rõ được vị trí cũng như thông tin chi tiết của cây cầu này. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho quý anh chị nắm được thông tin tổng quan về cầu Thượng Cát.
Chính Xác Vị Trí Xây Dựng Cầu Thượng Cát
Ở Hà Nội sông Hồng rộng lớn vô tình lại là rào cản tự nhiên gây chia cắt không gian đô thị, vậy nên xây dựng càng nhiều cầu thì những địa phương ngoại thành ở bờ tả ngạn càng có nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế – giao thương với nội thành. Tuy nhiên vì sông rộng khoảng cách từ đê tả ngạn sang hữu ngạn có khi lên tới mấy km nên việc xây cầu ở Hà Nội thường rất tốn kém. Cầu thì ngắn nhưng có khi cầu dẫn lại rất dài thế nên nguồn vốn cũng là vấn đề cản trở các dự án cầu vượt sông Hồng của Hà Nội, khiến đô thị này sau ngần ấy năm vẫn mới chỉ có vỏn vẹn 7 cây cầu bao gồm cả mới lẫn cũ. Các cầu mới chủ yếu thuộc những tuyến vành đai trong đó cầu Thượng Cát là cầu mới nhất được nhắc đến thuộc diện những công trình trọng điểm sẽ được khởi công trong năm 2025.
Cầu Thượng Cát theo quy hoạch sẽ dài 5,2km kết nối trực tiếp quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Điểm đầu là km3+505 đường Kỳ Vũ, quận Bắc Từ Liêm. Điểm cuối là km8+724 đấu nối vào đường chính của khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Tuyến đường chính của khu công nghiệp Bắc Thăng Long nằm đồng trục với Quốc lộ 5 kéo dài và Quốc lộ 23B tại xã Đại Mạch huyện Đông Anh Hà Nội.
Sau khi rời khỏi đường trục chính của khu công nghiệp Bắc Thăng Long tuyến đường dẫn sẽ chạy hơi chênh chếch sang trái, men theo dìa làng Đại Đồng rồi đi ngang qua trường tiểu học Đại Mạch. Còn phần cầu dẫn phía Bắc Từ Liêm nó sẽ chạy qua bên cạnh trường Trung học cơ sở Thượng Cát và trạm Y tế phường Thượng Cát.
Để anh chị dễ hình dung thì Cầu Thượng Cát nằm cách cầu Thăng Long 4,7km theo đường chim bay về phía thượng lưu. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ từ ngân sách Thành Phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự kiến trong 4 năm từ nay cho đến năm 2029 do ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng cầu Thượng Cát với quy mô đường trục chính đô thị có tốc độ thiết kế là 80km/h đảm bảo 8 làn xe, bề rộng mặt cầu lên đến 33m, tổng chiều dài cầu và đường dẫn 2 đầu cầu khoảng 5,2km với chiều dài nhịp chính là 820m tổng chiều dài cầu là 4060m.
Tại vị trí này còn có cầu vượt sông thuộc tuyến đường sắt đô thị số 7 Mê Linh – Ngọc Hồi đi độc lập cách cầu Thượng Cát một khoảng về phía thượng lưu. Dự án sẽ có 3 nút giao chính, nút giao đầu tuyến tại điểm đầu của dự án giao bằng với đường Kỳ Vũ quận Bắc Từ Liêm hiện trạng kết nối đường Kỳ Vũ với đường song hành hai bên không giao trực tiếp với đường chính. Nút giao thứ hai là Bắc Thượng Cát tại điểm giao cắt với đường trục chính TC13 và nhánh nối đến đường trục Mê Linh. Địa điểm này đầu tư xây dựng nút giao dạng hoa thị không hoàn chỉnh, việc xây dựng hoàn thiện nút giao này theo quy hoạch sẽ được thực hiện khi đầu tư đường trục chính TC13. Nút giao cuối tuyến tên Đại Mạch, nằm tại điểm đấu nối với đường trục chính của khu công nghiệp Bắc Thăng Long, sử dụng ngã 3 kết hợp với cầu vượt trực thông theo hướng cầu Thượng Cát đường Võ Văn Kiệt.
Hiện nay đoạn tuyến đường vành đai 3.5, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32 nằm trên địa phượng huyện Hoài Đức đã thành hình, đoạn tuyến này rất quan trọng chỉ còn vài điểm đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đoạn qua khi di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối nằm ngay sát quốc lộ 32. Đoạn tuyến này hoàn thành cùng với đoạn Kiến Hưng – Đại lộ Thăng Long đã đưa vào sử dụng sẽ hình thành nên trục đô thị hiện đại đồng bộ, kết nối đô thị khu vực Tây Nam với khu vực Tây Bắc của Hà Nội.
Nếu cầu Thượng Cát được khởi công xây dựng điều này đồng nghĩa với việc vành đai 3.5 đoạn quốc lộ 32 Thượng Cát cũng sẽ được triển khai cùng thời điểm. Đường vành đai 3.5 đoạn này sẽ bắt đầu từ cụm công nghiệp Lai Xá gần ngã tư Nhổn cạnh trường đại học Thành Đô, hướng về phía Bắc khoảng 2,6km tới giao cắt đường trục hướng tâm Tây Thăng Long. Giao cắt này khác lớn và sẽ là dạng hoa thị đối xứng, sau đó tuyến đường sẽ chếch về hướng Tây Bắc – Đông Nam ra phía đê hữu ngạn sông Hồng nối với đường dẫn của cầu Thượng Cát. Từ quốc lộ 32 tới đường Kỳ Vũ, tức là điểm đầu của cầu Thượng Cát dài khoảng 3.5km chỉ yếu là đồng ruộng.
Cầu Thượng Cát Là Cầu Treo Hay Cầu Bê Tông?
Dự kiến cầu Thượng Cát vẫn sẽ là kiểu cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, dạng như cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì. Tôi không thấy nói về phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn thế nên rất có thể mặt cầu rộng 33m, 8 làm xe sẽ được xây dựng ngay từ đầu.
Đây hứa hẹn sẽ là một trong những mặt cầu rộng tại Hà Nội tương đương với cầu Nhật Tân, theo những những hình ảnh tư vấn thiết kế từ hồi đầu nằm 2023 thì dự án sẽ được chia thành 2 đơn nguyên cầu riêng biệt nằm cạnh nhau. Mỗi đơn nguyên sẽ bao gồm 3 làn xe ôtô cùng 1 làn phương tiện 2 bánh, kiểu phân làn phương tiện này tương đồng với cầu Nhật Tân.
Phong Cách Thiết Kế Cầu Thượng Cát
Hệ thống mấu trụ cầu Thượng Cát được các nhà thiết kế vẽ cách điệu hình chữ V hướng lên trên điều này khiến cho phần gầm cầu tương đối thông thoáng và bớt đi sự đơn điệu, nhàm chán của hình khối bê tông. Dầm cầu theo Render vẫn là dạng dầm hộp bản rỗng bê tông cốt thép dự ứng lực thi công từng đốt theo công nghệ đúc hẫng cân bằng chưa rõ khẩu độ lớn nhất của một nhịp vượt sông là bao nhiêu mét.
Đối với những công trình cầu lớn như thế này thì ngành xây dựng cầu đường trong nước hiện nay đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe. Với mặt cầu rộng và dài như cầu Thượng Cát nếu được thiết kế theo dạng dây võng thì tuyệt đẹp tuy nhiên tại vị trí này thì không thể xây dựng cầu cáp treo dây võng do bị vướng vào vùng phễu bay của sân bay Nội bài. Trước đây khi thiết kế cầu Nhật Tân thì đội thiết kế cũng đưa ra phương án dây võng nhưng vì nếu xây dựng dạng này thì yêu cầu chiều cao của 2 trụ tháp sẽ phải rất lớn như thế sẽ gây uy hiếp an toàn bay cho các máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội bài. Muốn hạ thấp chiều cao của trụ tháp thì lại phải xây nhiều trụ hơn như vậy sẽ không thẩm mỹ bằng chỉ có 2 trụ.
Như vậy có thể thấy dự án cầu Thượng Cát không chỉ mang ý nghĩa về mặt hạ tầng giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực phía Bắc Hà Nội. Với thiết kế hiện đại, quy mô lớn và tổng vốn đầu tư ấn tượng, cầu Thượng Cát hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch đô thị của thủ đô. Khi hoàn thành, cây cầu không chỉ góp phần giảm tải giao thông mà còn tăng cường sự kết nối giữa các vùng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đây là minh chứng cho nỗ lực của Hà Nội trong việc xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và đồng bộ.