Sổ hồng và sổ đỏ có gì khác nhau

Sổ hồng và sổ đỏ là hai thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực mua bán bất động sản, đóng vai trò là giấy tờ pháp lý quan trọng trong xác nhận quyền sử dụng đất của người sở hữu. Tuy nhiên, nếu bỏ qua yếu tố màu sắc bìa, anh chị đã thực sự hiểu rõ bản chất và biết cách phân biệt hai loại giấy tờ này chưa? Liệu sổ hồng có giá trị hơn sổ đỏ không? Và có cần thiết phải chuyển đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới để có thông tin rõ hơn.

Sổ hồng là gì? Sổ đỏ là gì?

Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể khái niệm về sổ đỏ hay sổ hồng. Mọi người thường dựa vào màu sắc của sổ (bìa màu hồng và bìa màu đỏ) để gọi tên sổ, nên cả 2 thuật ngữ “sổ đỏ” và “sổ hồng” chỉ được sử dụng trong đời sống thường ngày, chưa được pháp luật thừa nhận. Theo đó:

  • Sổ đỏ được hiểu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được ban hành trước sổ hồng;
  • Sổ hồng được hiểu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, được ban hành bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, có mẫu thống nhất theo quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.

Tại Khoản 16, Điều 3 Luật Đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định cụ thể như sau:

  • Là loại giấy tờ pháp lý do nhà nước ban hành;
  • Có giá trị xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản (nhà ở và các các tài sản khác gắn liền với đất) cho chủ sở hữu có quyền.

Điểm giống nhau giữa sổ hồng và sổ đỏ

Mặc dù sổ hồng và sổ đỏ có sự khác biệt về hình thức, mục đích sử dụng và cơ quan cấp phát, nhưng về bản chất, cả hai đều có những điểm chung quan trọng như sau:

  • Đều là giấy tờ pháp lý hợp lệ: Sổ hồng và sổ đỏ đều do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, nhằm xác nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của cá nhân hoặc tổ chức.
  • Có giá trị pháp lý tương đương: Dù là sổ đỏ hay sổ hồng, cả hai đều được pháp luật công nhận và có hiệu lực ngang nhau trong các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai và bất động sản.
  • Được sử dụng trong các giao dịch bất động sản: Người sở hữu có thể dùng sổ đỏ hoặc sổ hồng để thực hiện các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, thừa kế…
  • Không bắt buộc phải đổi sang mẫu sổ mới nếu không có biến động: Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản không có thay đổi thì sổ cũ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng. Việc đổi sang mẫu sổ mới chỉ cần thiết khi thực hiện các thủ tục như tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, sang tên hoặc cập nhật thông tin mới.

Điểm khác nhau giữa sổ hồng và sổ đỏ

Sổ đỏ và sổ hồng đều là giấy tờ hợp pháp xác nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhưng chúng có một số điểm khác biệt về tên gọi, mục đích cấp, nội dung thể hiện và cơ quan ban hành, cụ thể:

Tiêu chí Sổ đỏ

Sổ hồng

Tên gọi phổ biến Sổ đỏ (theo màu bìa của sổ) Sổ hồng (theo mùa bìa hồng nhạt của sổ)
Tên gọi chính thức Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
Cơ quan cấp trước năm 2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường Bộ Xây dựng
Thời gian sử dụng phổ biến Trước năm 2009, chủ yếu dùng cho đất chưa có nhà Trước năm 2009, chủ yếu dùng cho đất có nhà hoặc căn hộ chung cư
Nội dung ghi nhận trong sổ Chỉ ghi quyền sử dụng đất (không ghi tài sản trên đất như nhà ở) Ghi cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất
Đối tượng áp dụng Đất nông nghiệp, đất nông nghiệp, đất ở nông thôn, đất chưa có tài sản Đất ở đô thị, nhà riêng, căn hộ chung cư
Mục đích cấp sổ Xác nhận quyền sử dụng đất Xác nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
Hiện nay còn cấp không? Không – đã được thay bằng mẫu Giấy chứng nhận mới thống nhất Không – cũng được thay bằng mẫu Giấy chứng nhận mới thống nhất

Có bắt buộc phải cấp đổi sổ đỏ thành sổ hồng không?

Câu trả lời là không bắt buộc phải đổi sang sổ hồng, trừ khi anh chị có nhu cầu cá nhân. Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc phải chuyển đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng. Do đó, nếu không thực hiện việc đổi sổ, thì sổ đỏ – cũng như các mẫu giấy chứng nhận cũ – vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý và được công nhận bình đẳng với sổ hồng.

Từ đó có thể thấy, khi mua nhà đất, việc sổ là sổ đỏ hay sổ hồng không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều cần quan tâm là sổ đó có hợp pháp, chính chủ và không bị làm giả, cùng với giá trị thực tế của bất động sản.

Tuy nhiên, đối với trường hợp trước đây đã được cấp sổ đỏ (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nếu hiện tại bạn có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở hoặc thi công công trình trên đất, thì nên thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung tài sản gắn liền với đất (như nhà ở, công trình xây dựng). Việc này giúp cập nhật đầy đủ quyền sở hữu vào sổ, đảm bảo quyền lợi pháp lý lâu dài, đặc biệt trong các giao dịch, chuyển nhượng hoặc tranh chấp về sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Banner Dũng Ngô